Ngày 18/09/2018, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”.

Tham dự hội thảo có đ/c Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu trọng điểm Khoa học giáo dục; đ/c Bùi Trường Giang – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đ/c Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đ/c Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên BCH TW Đảng, Giám đốc ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía ĐHQGHN có Ban Giám đốc, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Cùng dự có hơn 400 đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc; Bộ Giáo dục & Đào tạo và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, trường phổ thông cùng các chuyên gia, các nhà khoa học.

 

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, thảo luận các kết quả và nêu ra những vấn đề trong quá trình triển khai đổi mới, đề xuất các giải pháp để công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo thành công. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý và các nhà khoa học đánh giá tổng quan về những thành tựu và thách thức sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo; Những đổi mới về tự chủ đại học; Đổi mới về thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; Đổi mới trong giáo dục phổ thông.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của con người và Đất nước. Được ban hành năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sau đó được Chính phủ cụ thể hoá thành các Chương trình hành động triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai cần phát hiện ra những vấn đề đổi mới như sự chuyển dịch trong nhận thức và chính sách cũng như hành động từ nhiều góc độ, đồng thời tiếp tục tìm ra những rào cản để điều chỉnh phương thức triển khai phù hợp, tạo sự đồng thuận và chia sẻ của toàn hệ thống và xã hội.

Trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN về 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW, các nghiên cứu đã tổng kết lý luận và kinh nghiệm, khảo sát hơn 2.500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học; trao đổi, phỏng vấn được trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1.000 học sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh.

Qua kết quả nghiên cứu thu được, bước đầu nhóm nghiên cứu nhận thấy dưới sự nỗ lực triển khai Nghị quyết 29 từ cấp Trung ương đến địa phương và các cơ sở giáo dục, nhà giáo, ghi nhận sự chuyển biến tích cực ở cấp vĩ mô của toàn hệ thống, toàn xã hội như sự thay đổi về chính sách, điều chỉnh và bổ sung văn bản pháp quy, đến cấp vi mô trong nhận thức của mỗi người dân, giáo viên, người học về sự cần thiết và những hành động cụ thể cần thực hiện để đổi mới giáo dục. Nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát, làm rõ và đánh giá những thay đổi, chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29, trong đó chú ý khảo sát tới sự thay đổi trong nhận thức, về sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội đối với giáo dục và đào tạo, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước từ trung ương tới địa phương.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan và những xu hướng vận động tốt, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức đang đặt ra cần cấp bách giải quyết ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 3 báo cáo chuyên đề trình bày các kết quả nghiên cứu liên quan tới các nhân tố quan trọng của nền giáo dục: Những đổi mới và chuyển biến trong giáo dục phổ thông; Những đổi mới trong phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo; Vấn đề tự chủ của các trường đại học.

Giáo dục mầm non, phổ thông chuyển dần sang hướng phát triển phẩm chất và đánh giá năng lực

Đại diện nhóm nghiên cứu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đã trình bày báo cáo “Giáo dục mầm non, phổ thông Việt Nam dần tiếp cận chuẩn quốc tế”. Theo đó, nhóm nghiên cứu nêu những kết quả nghiên cứu về giáo dục phổ thông trong 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự chuyển biến trong chính sách được ban hành theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông, ở một góc độ nào đó, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, đầu tư về giáo dục được tăng cường tạo môi trường dạy học thuận lợi nhất cho giáo viên và học sinh, tăng cường xã hội hóa trong giáo dục. Đồng thời có sự chuyển dịch về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo năng lực nhấn mạnh kỹ năng và ứng dụng thực tiễn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN

Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong chương trình giáo dục phổ thông và nêu một số khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý: Đồng bộ thể chế để tạo điều kiện tốt nhất cho học tập và giảng dạy; Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý các kiến thức quản trị cập nhật, thực tiễn đáp ứng chuẩn; Thiết kế chương trình đào tạo và bồi dưỡng theo hướng cá nhân hóa, tăng quyền chủ động của các trường và ứng dụng công nghệ thông tin…

Kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực người học

GS. Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứuvề đổi mới kiểm tra đánh giá chỉ ra nhữngkết quả nỗ lực đáng ghi nhận cũng như những tồn tại hạn chế trong ban hành các chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nghị quyết 29 được thể chế hóa bằng chính sách ở tất cả các bậc đào tạo, trong đó ở bậc tiểu học chuyển dịch từ trọng tâm định lượng sang trọng tâm định tính, đồng thời đánh giá tổng kết – đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra đối với bậc trung học và đại học. Báo cáo cũng cho rằng cần duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh, theo đó tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức, kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình…

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN

Định hướng về thi THPT và tuyển sinh đại học cũng được nghiên cứu và cho thấy bước đầu triển khai có hiệu quả, kỳ thi đã đánh giá toàn diện, giảm áp lực xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam… Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra đánh giá vẫn gặp phải những rào cản nhất định như: việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định; Năng lực kiểm tra đánh giá của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Tự chủ là một thuộc tính của giáo dục đại học

Về vấn đề tự chủ đại học, các nhà khoa học chỉ ra rằng trước Nghị quyết 29 thì quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở giáo dục đại học còn bị hạn chế; Hoạt động của cơ sở GDĐH vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa kiện toàn bộ máy quản trị trong điều kiện thực hiện tự chủ, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện. Sau Nghị quyết 29 thì tự chủ toàn diện được thúc đẩy do thể chế hóa được nhiều chính sách nhằm tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH thông qua việc ban hành các văn bản, hành lang pháp lý.

TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN

Đến nay, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất luợng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên… Văn hóa chất lượng được hình thành và phát triển, tạo sự cạnh tranh về chất lượng và tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tiêu biểu như: ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM lọt top 1000 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS, trong đó ĐHQGHN xếp thứ 139 và ĐHQG Tp. HCM xếp thứ 142 đại học hàng đầu châu Á. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn trong tuyển sinh, liên kết đào tạo và mở ngành đào tạo, đồng thời chủ động trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ KHCN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như liên kết thực hiện các hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ.

Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về 3 vấn đề then chốt của giáo dục và đào tạo khi Nghị quyết 29 được ban hành và vận dụng vào thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: “Thực sự giáo dục phổ thông có sự thay đổi, làm cho môi trường nhà trường không chỉ truyền thụ kiến thức mà trở nên sát thực tế hơn, năng lực của học sinh được phát triển hơn. Từ những gì các em được học, khi tốt nghiệp học sinh sẽ thích nghi tốt với xã hội đầy biến động, có thể tự chủ, tự lập được”.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN

GS. Vũ Minh Giang đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong chương trình giáo dục phổ thông trước đây: phương pháp giảng dạy tập trung truyền thụ kiến thức được áp dụng trong thời gian dài khiến người học yếu về kỹ năng và phương pháp, đồng thời, nhà trường quá chú trọng truyền thụ kiến thức mà chưa coi trọng đúng mức triết lý dạy làm người. GS. Vũ Minh Giang cũng cho rằng, sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đưa ra sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong suốt thời gian dài. GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo là một quá trình liên tục, cần thường xuyên đánh giá, nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp.

GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Triển khai Nghị quyết 29 đến nay đã có hàng chục đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau được thực hiện, từ đó làm cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ trưởng, đây là bước chuyển quan trọng.

Đánh giá cao và khẳng định vai trò quan trọng của việc tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho biết, để xây dựng được một chính sách, cao hơn là tầm chiến lược về giáo dục, không thể không có nghiên cứu sâu, đánh giá thực tiễn, không thể không có tư vấn của các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tầm nhìn dài hạn. Bộ trưởng đề nghị các vụ cục lắng nghe, tiếp thu, cùng lĩnh hội các đề xuất, cùng phối hợp để các chính sách đề xuất có tính thiết thực, khả thi, hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn.

Tổng kết hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhận định, các báo cáo và các ý kiến trao đổi tại hội thảo đã nhấn mạnh những đổi mới về nhận thức, tư duy, triết lý giáo dục đến những chuyển biến của giáo dục và đào tạo trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29. Trên cơ sở số liệu, điều tra, khảo sát, nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN sẽ tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện nghiên cứu và công bố trước đông đảo công luận.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất một số kiến nghị tới các cơ quan quản lý, các bộ ngành:

Một là, Ban Tuyên giáo Trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể với hệ thống các chỉ số thực hiện, quy định cơ chế phối hợp theo chiều ngang ở cấp Trung ương và địa phương với cơ chế giám sát theo chiều dọc từ Trung ương xuống đến cơ sở.

Hai là, Quốc hội cần có những sửa đổi, bổ sung về pháp luật và chính sách tương ứng như về một số quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, và các Luật có liên quan.

Ba là, Chính phủ cần chỉ đạo để các Bộ ban ngành triển khai đồng bộ các đề án của Nghị quyết 44, đặc biệt là các đề án liên quan đến nguồn lực để thực hiện đổi mới giáo dục.

Bốn là, công tác truyền thông về giáo dục cần chủ động hơn, phản ánh khách quan, đúng mức độ những tiêu cực trong giáo dục, đồng thời ghi nhận những chuyển biến tích cực, tạo động lực cho đổi mới.

Năm là, về thi THPT, cần ổn định dạng thức, hoàn thiện câu hỏi, nghiên cứu để sau 2020 tổ chức thi trên máy hoặc trực tuyến nơi có điều kiện, tạo lập ngân hàng câu hỏi đủ lớp và công khai hóa, bài thi sau 2020 chỉ nên tập trung vào các năng lực cơ bản về toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Các trường đại học tự xây dựng thêm các bài thi chuyên biệt để tuyển sinh.

Nguồn: http://vnu.edu.vn/ttsk/?C2576/N22894/05-nam-doi-moi-can-ban,-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao:-Thanh-tuu-va-thach-thuc.htm