Trường THPT Khoa học Giáo dục (HES) trực thuộc Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là mô hình trường THPT thực hành giáo dục tiên tiến của Việt Nam. Tại HES, dựa trên việc thụ hưởng và triển khai có hiệu quả các thành tựu khoa học giáo dục trong nhà trường, học sinh sẽ có một mô hình học tập – sinh hoạt toàn diện và tiên tiến nhất hiện nay nhằm phát triển hài hòa trí, đức, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng, năng lực của mỗi người. Để làm tốt điều đó, mỗi thầy cô giáo thuộc tổ Ngữ văn – Khoa học xã hội luôn chú trọng thiết kế những bài giảng có khả năng phát huy tính tích cực, năng động và sáng tạo của người học.
Vừa qua, tổ Ngữ văn - Khoa học xã hội đã tích cực tổ chức Hội giảng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với sự tham gia dự giờ của các giáo viên trong và ngoài tổ, nhóm chuyên môn. Các tiết học đều được thiết kế công phu, đảm bảo kiến thức khoa học và tính sư phạm cao, chú trọng vận dụng linh hoạt những phương pháp dạy học tích cực với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”. Mỗi tiết học thực sự đã trở thành một trải nghiệm vô cùng thú vị với học sinh trường HES.
Trước mỗi bài học, giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài chu đáo bằng hệ thống câu hỏi với nhiều mức độ khác nhau để các em chủ động trong việc tìm hiểu trước bài học.
Các em đều hăng hái, sưu tầm tài liệu, chuẩn bị bài học theo hình thức bảng phụ, có sử dụng bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh minh họa. Đặc biệt nhiều học sinh còn thiết kế nội dung trình bày bằng công nghệ thông tin như làm video clip, thiết kế và trình chiếu Powerpoint. Trong giờ học, các em năng động, tự tin thuyết trình trước tập thể các nội dung đã được chuẩn bị.
Học sinh thuyết trình trong giờ Lịch sử
Trong mỗi giờ học, bên cạnh những phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, vấn đáp, giáo viên còn vận dụng phối hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học tích cực, hiện đại. Mỗi giáo viên của tổ đều có khả năng làm chủ công nghệ thông tin, biết chọn lọc để đưa nhiều clip, hình ảnh trực quan, sinh động phù hợp với bài học giúp các em không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn được khơi gợi hứng thú khám phá vẻ đẹp của mỗi nội dung học tập. Trong giờ học, các em còn được tham gia thảo luận nhóm theo kĩ thuật khăn phủ bàn, trình bày một phút, kĩ thuật công đoạn…rất sôi nổi.Cô giáo Phạm Thị Thư hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm
Các thầy cô giáo còn thiết kế những bài học dạy theo dự án nhằm phát huy tối đa sự tham gia của học sinh vào các hoạt động dạy học. Ngoài ra, còn tổ chức những trò chơi vui nhộn, hấp dẫn như Con số may mắn, Giải cứu ô chữ, Đoán ý đồng đội, Đuổi hình bắt chữ… từ đó, các em hứng thú hơn trong học tập.Cô giáo Nguyễn Thị Năm tổ chức học sinh củng cố kiến thức bằng hình thức trò chơi
Với mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, nguyên tắc dạy học tích hợp trong môn học và tích hợp liên môn đã được các cô giáo trong tổ vận dụng rất thành công. Dựa vào đặc thù của mỗi môn học, mỗi bài học, giáo viên có những liên hệ hợp lý, phong phú, tích hợp các đơn vị kiến thức để bài giảng thêm hấp dẫn, từ đó cung cấp kiến thức liên môn cho học sinh. Bên cạnh đó, các cô giáo còn tổ chức hướng dẫn cho học sinh chuyển thể tác phẩm văn học đem lại những giờ học hứng thú, giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật như ngâm thơ, diễn kịch, vẽ tranh minh họa… cho nội dung bài học.Tranh minh họa cảnh Huấn Cao cho chữ trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) của học sinh Nguyễn Thị Bạch Vân-Lớp 11A5
Học sinh lớp 11A3 sân khấu hóa tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao) trong giờ thao giảng của cô Đặng Thị Mây Với những đổi mới trong phương pháp dạy học, giáo viên tổ Ngữ văn – KHXH đã tạo ra môi trường học tập tích cực, sáng tạo nhằm khuyến khích người học chủ động tham gia quá trình khám phá, lĩnh hội tri thức. Chính các thầy cô giáo với chuyên môn vững vàng, tình yêu nghề đã góp phần hiện thực hóa triết lí giáo dục của Trường THPT Khoa học Giáo dục, khơi gợi, khuyến khích học sinh tự khẳng định năng lực của bản thân, đồng thời rèn cho các em thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy. Từ đây tạo tiền đề để học sinh HES phát triển toàn diện trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế./.Th.S Phạm Thị Thư – GV tổ Ngữ văn & Khoa học xã hội