Sáng 9/3, tại Việt Trì – Phú Thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức bế mạc cuộc thi “Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học” (VISEF) năm học 2016- 2017.
Lễ trao giải cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2016 - 2017
Được tổ chức và triển khai từ năm học 2011 – 2012 đến nay, cuộc thi Khoa học Kĩ thuật (KHKT) cấp quốc gia đã thật sự là sân chơi thú vị, ý nghĩa đối với học sinh đặc biệt là những em học sinh đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ. Cuộc thi cũng là cơ hội giúp các em học sinh hiện thực hóa những mong muốn, ý tưởng khoa học sáng tạo, độc đáo vào thực tiễn cuộc sống.
VISEF được đánh giá là sân chơi thật sự bổ ích và có sức lôi cuốn với hàng ngàn học sinh tham gia. Những đề tài khoa học xuất sắc của cuộc thi sẽ được lựa chọn để tham dự cuộc thi Khoa học kĩ thuật quốc tế (Intel ISEF) tại Mỹ.
Năm nay, tại cuộc thi VISEF, Ban tổ chức đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 241 dự án đến từ 34 đơn vị là các tỉnh thành, đại học từ Thừa Thiên Huế trở ra, trong đó có 43 dự án của học sinh THCS và 198 dự án của học sinh THPT. HES tham gia dự thi với 05 dự án khoa học.
PGS.TS Phạm Văn Thuần, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐHGD, ĐHQGHN trao phần thưởng cho học sinh
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã công bố giải cao nhất cho các dự án được đánh giá có tính khoa học và tính ứng dụng cao, vòng thi chung cuộc gồm: 05 giải nhất, 10 giải nhì, 14 giải ba và trao giải cho 14 lĩnh vực gồm: 29 giải nhất, 39 giải nhì, 56 giải ba.
Lần đầu tham dự, Hes đã gây bất ngờ đối với Ban tổ chức và các đơn vị dự thi, tất cả 05 đề tài khoa học của học sinh HES đều đạt giải với thành tích: 01 giải nhất, 01 giải nhì và 03 giải ba, đặc biệt đạt 01 giải nhì chung cuộc. Nội dung các đề tài liên quan đến các lĩnh vực hiện nay đang được xã hội quan tâm đó là bài toán giải quyết ô nhiễm môi trường như kiểm soát asen, polime phân hủy sinh học, thu năng lượng dư thừa chuyển đổi thành điện năng và liên quan đến sức khỏe như định hướng ứng dụng điều trị ung thư bằng từ nhiệt trị, thiết bị theo dõi sức khỏe cho người bệnh.
Có được thành tích này là kết quả của sự quan tâm sát sao của Đại học Quốc Gia Hà nội, của Ban Giám Hiệu Trường Đại học Giáo dục, Ban giám hiệu Trường THPT Khoa học Giáo dục, là sự tận tình trách nhiệm của các thầy cô hướng dẫn Khoa học và đặc biệt là ý thức, lòng say mê nghiên cứu, sáng tạo Khoa học kĩ thuật của các em học sinh.
TS. Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐHGD - Hiệu trưởng Trường THPT KHGD và TS. Hoàng Thu Hà, Phó hiệu trưởng THPT KHGD và đoàn Phụ huynh đưa học sinh tham dự cuộc thi.
Ngoài giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 05 đề tài khoa học của học sinh HES còn nhận được giải thưởng của các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước trao tặng. Với HES đây là niềm vinh dự và tự hào! Thành tích này sẽ góp phần khẳng định và hiện thực hóa sứ mệnh của HES với lời cam kết: “Đào tạo tinh hoa và ươm mầm các tài năng trẻ dựa trên việc thụ hưởng các công nghệ giáo dục tiên tiến, góp phần tiên phong trong đổi mới giáo dục phổ thông và triển khai hiệu quả các thành tựu khoa học, giáo dục trong nhà trường”. Thành công bước đầu của HES cũng khẳng định mô hình đào tạo THPT chất lượng cao đặc biệt mô hình giáo dục đào tạo của trường THPT gắn liền với các cơ sở giáo dục Đại học với việc khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực người học.
Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế (International Science and Engineering Fair, viết tắt là ISEF) được phát triển từ Hội thi khoa học quốc gia (National Science Fair) của Hoa Kì, do Hiệp hội khoa học và cộng đồng (Society for Science & the Public, viết tắt là SSP) sáng lập, tổ chức lần đầu tiên tại Philadelphia vào năm 1950. Năm 1958, Hội thi này lần đầu tiên trở nên Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức. Từ năm 1997, tập đoàn Intel là nhà tài trợ chính cho Hội thi và từ đó Hội thi mang tên Intel ISEF. Ngoài Tập đoàn Intel, còn có nhiều đơn vị, tổ chức khác tài trợ khác hỗ trợ và tài trợ giải thưởng cho Intel ISEF. Đến nay, Intel ISEF là hội thi khoa học và kĩ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng hơn 1700 học sinh trung học từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cuộc thi này là cơ hội kết nối các nhà khoa học trẻ tương lai trên toàn cầu được tiếp cận với các nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel. Các em cũng được giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về các đề tài nghiên cứu với các bạn cùng lứa tuổi trên khắp năm châu một cách sâu hơn, rộng hơn trong tương lai. Để tham gia Intel ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các Hội thi khoa học ở các địa phương hoặc các quốc gia. Các hội thi địa phương hay quốc gia này phải tuân thủ một số quy định cơ bản của Intel ISEF và được gọi là các Hội thi Intel ISEF thành viên. Intel ISEF kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ này tranh tài ở đấu trường quốc tế; tạo điều kiện cho học sinh gửi những đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học trình độ cao để được đánh giá, nhận xét.