Niềm vui của Cô, Trò Trường HES ngày Bế mạc ViSEF 2020
ViSEF là cuộc thi thường niên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhằm khuyến khích các em học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, đồng thời, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Được triển khai lần đầu tiên năm học 2011 – 2012, ViSEF thu hút học sinh khối THCS, THPT cả nước tham gia, và cũng từ cuộc thi này hàng năm đã chọn được nhiều học sinh xuất sắc tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) cũng như nhiều hội chợ, triển lãm về sáng tạo khoa học, kỹ thuật quy mô khu vực và thế giới đạt được nhiều kết quả cao.
Năm học 2019 – 2020 có tổng số 137 dự án, các dự án đều hướng tới giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Kết quả toàn quốc có 75 dự án đạt giải trong đó có 11 giải nhất, 16 giải nhì, 21 giải ba và 27 giải tư.
Trường THPT Khoa học Giáo dục (HES) trực thuộc Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị dự thi với hai dự án thuộc các lĩnh vực: môi trường – đạt giải nhì và Y sinh khoa học và sức khỏe – đạt giải ba.
Ở dự án “ Nghiên cứu, đánh giá tác dụng của Acid Oleanoic đối với gen điều hòa ty thể của Lympho B ung thư” cho thấy hoạt dược từ các nguồn dược liệu tự nhiên có tiềm năng cao trong việc phát triển các thuốc điều trị bệnh đa u tủy nhờ khả năng kìm hãm sự phát triển của tương bào ung thư và giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn.
Học sinh Nguyễn Phạm Duy và Trần Đỗ Diệp Anh đạt giải Ba cuộc thi ViSEF 2020
Dự án thứ 2 cho thấy sự lạm dụng thuốc kháng sinh đã gây ra tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng và mang tính toàn cầu. Kháng sinh được sử dụng phổ biến trong y học, dược phẩm, nông nghiệp, nuôi thủy-hải sản và thải ra ngoài môi trường với lượng đáng kể. Vật liệu nano đã được ứng dựng để xử lý kháng sinh khắc phục các tồn tại hạn chế của các vật liệu đã được sử dụng trước đó. Điểm nổi bật của dự án “nghiên cứu chế tạo vật liệu nano để xử lý tồn dư kháng sinh trong nước thải” là thông qua việc nghiên cứu cơ chế hấp phụ AP và kết quả hấp phụ của vật liệu nano đã khẳng định việc chế tạo thành công vật liệu thân thiện với môi trường để xử lý AP.Học sinh Đặng Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Hồng Minh đạt giải Nhì ViSEF 2020
Để thực hiện dự án, học sinh được tiếp cận nhiều phương pháp học tập hiện đại như học online, offline, thuyết trình và thực hành ở các phòng thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của các cán bộ giảng viên hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành tích của học sinh khẳng định rõ định hướng sứ mệnh của Trường THPT Khoa học Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội “đào tạo tinh hoa và ươm mầm các tài năng trẻ dựa trên việc thụ hưởng các công nghệ giáo dục tiên tiến, góp phần tiên phong trong đổi mới giáo dục phổ thông và triển khai hiệu quả các thành tựu khoa học, giáo dục trong nhà trường”. Đây cũng là một phần trong định hướng phát triển của Trường ĐH Giáo dục – phát triển các khoa học giáo dục, từ đó làm tiền đề, căn cứ cho việc tư vấn các vấn đề chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển giáo dục, kết hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học - công nghệ của đất nước, là điểm sáng trong công cuộc đổi mới Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục Hoàng Thu Hà (bìa trái), giáo viên Nguyễn Trung Thành (bìa phải) cùng 4 học sinh tham dự ViSEF 2020
Nguồn: VNU